Saturday, June 11, 2011

Đức muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam

Đức muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam
11-06-2011 08:40
Đức muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam
Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chụp ảnh với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle. (Ảnh: Vietnam+)

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle khẳng định Đức mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam thành một đối tác chiến lược toàn diện, phát triển sâu sắc hơn các quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa...

Tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đang thăm làm việc tại châu Âu và tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Á-Âu (ASEM) lần thứ 10 (FMM-10), Bộ trưởng Westerwelle nhấn mạnh trong năm 2011, Việt Nam và Đức có cơ hội rất tốt để nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới và hai bên cần hợp tác chặt chẽ để có thể hướng tới việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Bộ trưởng đã thông báo vắn tắt với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm kết quả tốt đẹp của chuyến thăm Việt Nam của ông vừa qua, đặc biệt việc hai bên đã ký kết một hiệp định tài chính xây dựng tuyến tàu điện ngầm mới ở Thành phố Hồ Chí Minh với trị giá 212 triệu euro và một hiệp định tài chính 10 triệu euro cho chương trình đào tạo nghề song hành tại Việt Nam.

Phía Đức đang mong muốn xây dựng một “Ngôi nhà Đức” để củng cố sự hiện diện kinh tế, chính trị và văn hóa của Đức tại Việt Nam.

Về phần mình, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm đánh giá cao kết quả chuyến thăm của ngài Bộ trưởng Westerwelle và khẳng định Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, Việt Nam sẵn sàng là cầu nối cho Đức đối với thị trường ASEAN; nhất trí ủng hộ việc thành lập “Ngôi nhà Đức” hoạt động trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định Đức và Việt Nam ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam ủng hộ những sáng kiến của Đức về việc cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Hai bên nhất trí cùng hợp tác để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Angela Merkel, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới./.

http://www1.vietinfo.eu/tin-viet-nam/duc-muon-mo-rong-quan-he-hop-tac-voi-viet-nam.html

Friday, May 14, 2010

nhiều quốc gia lại bắt đầu hốt hoảng báo động về chủ nghĩa quốc gia của nước Đức

Cấp Cứu Âu Châu

Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

...cái xẩy nẩy cái ung...
Thuật ngữ kinh tế của thế giới từ nay có thêm chữ "Hy Lạp Hoá" là khi mà khủng hoảng xảy ra tại một xứ nhỏ bé lại có thể gieo họa cho toàn cầu như người ta đã chứng kiến tuần qua. Nhưng liệu kế hoạch cấp cứu Hy Lạp và ổn định kinh tế Âu Châu có đạt kết quả hay không và hậu quả sẽ là những gì cho khối tiền tệ Euro mà Hy Lạp là một thành viên? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi đó cho nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa qua phần trao đổi do Việt Long thực hiện sau đây.
"Hy Lạp Hoá"
Việt Long: Tình hình châu Âu và Hy Lạp trong những ngày gần đây khiến chúng tôi nhớ lại và phải lục lại các hồ sơ cũ thì thấy là trong chương trình ngày 10 tháng Hai, là ngay trước Tết Nguyên đán, ông có phân tích nỗi bất trắc của kinh tế châu Âu khi mà khủng hoảng tại xứ Hy Lạp có thể lan rộng và đe dọa sự ổn định của khối Euro gồm 16 quốc gia trong Liên hiệp châu Âu. Quả nhiên là tuần qua, chấn động Hy Lạp gây hốt hoảng cho các thị trường thế giới, khiến cổ phiếu toàn cầu mất toi 3 ngàn 700 tỷ đô la chỉ nội ngày thứ năm mùng sáu tháng năm. Rồi ngay sau đó, lãnh đạo kinh tế của Liên Hiệp châu Âu cùng các định chế quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB đã có phiên họp khẩn cấp kéo dài vào cuối tuần để tung ra một chương trình cấp cứu trị giá trên dưới 1000 tỷ đô la, là gấp ba tổng sản lượng nội địa của Hy Lạp.
Liệu chương trình cấp cứu ấy có công hiệu không? là câu hỏi được mọi người nêu ra trong mấy ngày qua. Vì vậy, tiết mục chuyên đề của chúng ta sẽ mở lại hồ sơ này để thính giả cùng hiểu nguyên nhân và hậu quả của một hiện tượng ta có thể gọi là "cái xẩy nẩy cái ung", là khủng hoảng từ một xứ rất nhỏ mà có thể gieo họa cho toàn thế giới.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thế giới đã có một chữ là "Hy Lạp Hoá" để nói về hiện tượng ông gọi là "cái xẩy nẩy cái ung" đó. Vì tổng sản lượng chừng hơn 300 tỷ đô la của một quốc gia chỉ có 11 triệu dân lại gây chấn động cho khối Euro gồm 16 nước với sản lượng là 11.000 tỷ Mỹ kim, và cho cả Liên hiệp Âu châu gồm 27 nước với dân số 500 triệu và sản lượng 16.000 tỷ.
- Thật ra, hiện tượng ấy khiến ta liên tưởng tới vụ khủng hoảng ngoại hối tại Thái Lan vào đầu tháng Bảy năm 1997 làm cả khối Đông Á bị khủng hoảng kinh tế, với hậu quả lan rộng qua Liên bang Nga, xứ Brazil rồi dội về Mỹ.
- Bài học ấy cho thấy là sự bất cẩn về chi tiêu của một quốc gia dù có sức nặng kinh tế rất nhỏ vẫn có thể gieo họa rất lớn cho các xứ khác. Đây là dữ kiện mà Việt Nam nên chú ý khi bắt đầu mắc nợ quá nhiều và cũng bị nguy cơ bất ổn ngoại hối. Nhìn rộng ra ngoài thì gánh nặng công trái quá lớn ngày nay của Hoa Kỳ cũng đáng quan tâm. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa nên một cơn chấn động ngoại nhập vào cơ chế yếu kém của mình cũng có thể gây ra khủng hoảng. Đó là một bài học thứ nhất khiến ta cần theo dõi và tìm hiểu.
Việt Long: Để tìm hiểu thì nhờ ông phân tích kế hoạch cấp cứu vừa được ban hành tuần qua. Câu hỏi cấp bách là liệu kinh tế Hy Lạp và cả khối Euro có thể thoát hiểm không?Bao giờ chúng ta có thể biết được kết quả?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sau một phiên họp thông tầm kéo dài 14 tiếng đồng hồ, giới lãnh đạo tài chính và chính trị Âu Châu cùng các định chế quốc tế đã quyết định một chương trình cấp cứu mang đặc tính xin gọi là "áp đảo" nhắm vào nhiều đối tượng song hành và đồng quy. Song hành vì có sự phối hợp giữa các định chế tài chính quốc tế, và đồng quy vì gồm có Hy Lạp lẫn các nước trong khối Euro, với mục đích là chặn đứng cơn khủng hoảng và trấn an các thị trường.
- Trước hết, xứ Hy Lạp được một chương trình cấp cứu trị giá hơn 143 tỷ đô la - các con số đều bằng tiền Euro của Âu châu nhưng ta quy ra đô la cho dễ hiểu dễ nhớ - do Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ IMF cung cấp. Việc giải ngân sẽ tiến hành cấp tốc, và trước ngày 19 này. Điều kiện ở đây là Chính quyền Hy Lạp phải áp dụng kế hoạch chấn chỉnh ngân sách và kinh tế trên một nền tảng lành mạnh hơn. Kết quả ra sao riêng cho Hy Lạp thì thật ra còn tùy vào người dân, nếu họ hiểu được nhu cầu khắc khổ để vượt cơn khủng hoảng. Nếu họ tiếp tục chống đối và đòi hỏi phúc lợi như xưa thì xứ này sẽ còn suy sụp nữa sau khi chính phủ đổ.
Ổn định Cơ chế
Việt Long: Nghĩa là ở vòng trong cùng, giữa cái mắt bão là việc cấp cứu xứ Hy Lạp. Rồi ta mới có vòng ngoài là việc cấp cứu các xứ khác, có phải không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, ở vòng thứ hai và ra khỏi khuôn khổ Hy Lạp, ta có khối Euro, trong đó có ba xứ cũng gặp bất trắc tương tự là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và cả nước Ý. Chương trình cấp cứu mở rộng cho toàn khối Euro với ngân khoản trị giá 650 tỷ đô la, nhắm vào chấn chỉnh công chi thu và cải tổ cơ chế tại các nước có vấn đề, như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Hai xứ này đã cam kết cải cách và kế hoạch của họ sẽ được cứu xét ngày 18 tới đây.
- Thứ ba, lãnh đạo Âu châu ban hành Cơ chế Ổn định do Liên Âu và Quỹ IMF điều động theo tiêu chuẩn của IMF. Cơ chế này gồm có hai phần. Ngay trước mắt, các nước lâm nạn có thể được trợ giúp từ một ngân quỹ bình ổn trị giá gần 80 tỷ đô la. Ngoài ra và trong thời hạn ba năm, thành viên khối Euro có thể trích xuất theo tỷ lệ tham gia của mình từ một quỹ trị giá tối đa là gần 600 tỷ đô la để ứng phó với những bất ổn tài chính, miễn là điều ấy phù hợp với Hiến pháp của từng nước. Cơ chế Ổn định này được duy trì cho tới khi đẩy lui cơn khủng hoảng.
- Tôi xin lỗi là phải đi vào mấy chi tiết rắc rối và thật ra còn thay đổi về ngạch số vì tùy thuộc tình hình tương lai. Nhưng nói chung thì Âu châu bật ra một tín hiệu về quyết tâm giải trừ khủng hoảng với một số tiền cực lớn. Còn lại thì chưa rõ là từng quốc gia có thể tuân thủ các điều kiện cấp cứu hay không vì hai ẩn số là lòng dân và phản ứng của thị trường.
Việt Long: Nhưng vào thời điểm hiện tại thì riêng ông đánh giá thế nào về triển vọng cấp cứu này, vì tôi thấy Liên Âu đã tung hoả lực hùng hậu áp đảo đến mức được gọi là "shock and awe" như vậy mà căn cứ vào thị trường chứng khoán thế giới hôm thứ ba như chúng tôi vừa loan tin, thì tình hình cuộc chiến này có vẻ vẫn còn giẳng co với nhiều nghi ngại?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi không mấy lạc quan, nhất là về tương lai của đồng Euro, và cả quy chế thống nhất của Âu châu, vì ta có ba loại vấn đề chòng chéo cùng tác động vào nhau theo lối biện chứng mà không cơ chế hay chính quyền nào có thể kiểm soát hay ngăn chặn được.
- Thứ nhất là về kinh tế tài chính, Hy Lạp có thể được cứu với chương trình trị giá hơn 140 tỷ đô la, nhưng liệu người dân có chịu uống thuốc đắng không? Chính quyền phe trung hữu đã đổ và chính quyền cánh trung tả phải xoay trở rất khó giữa đòi hỏi chấn chỉnh của quốc tế và yêu sách của người dân. Đây là một vấn đề dân trí và thành tâm của chính quyền.
- Thứ nữa, xứ Ý Đại Lợi có thể là yên lành trên bề mặt, nhưng thật ra mắc nợ rất cao, lên tới gần 120% của tổng sản lượng và chỉ thua Hy Lạp. Nếu xứ này gặp họa, ngân khoản cấp cứu phải gần gấp sáu, là gần 800 tỷ đô la. Ở giữa thì có Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, tổng cộng cũng cần cấp cứu tới 400 tỷ đô la nữa. Cho nên, ngân khoản mang tính áp đảo để dập tắt đám cháy là gần ngàn tỷ đô la thật ra có khi chưa đủ và đây là một thử thách rất lớn cho các định chế quốc tế.
- Ngoài ra, và quan trọng nhất, ta phải nói tới động lực chính của toàn bộ cuộc khủng hoảng là yếu tố chính trị. Là tinh thần dân tộc hay chủ nghĩa quốc gia trong một cơ chế hợp tác quốc tế thu hẹp vào lãnh vực kinh tế. Nói cho đơn giản thì đây là mâu thuẫn giữa hợp tác kinh tế với chủ quyền quốc gia. Mà nói tới chủ quyền thì quy luật vận hành của kinh tế có khi lại bị lệch lạc.
Việt Long: Ông nêu ra một vấn đề nghe như khá mới mẻ, là yếu tố chính trị trong một cuộc khủng hoảng có nguyên nhân là kinh tế của một cơ chế hợp tác quốc tế về kinh tế. Xin ông vui lòng giải thích rõ hơn.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Vụ khủng hoảng Âu châu manh nha từ lâu mà Âu châu không nhìn ra và chỉ quy trách nguyên do là khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ. Khi khủng hoảng bùng nổ tại Hy Lạp, cơ chế Âu châu xoay trở trong chân không rất lâu, với ngân khoản có vài chục tỷ đô la mà chả xong cho tới khi tình hình trở thành nguy ngập và tốn kém gấp bội. Người ta bèn quy trách cho Cộng hoà Liên bang Đức là cố tình trì hoãn không chịu cấp cứu Hy Lạp, là điều chúng ta dự báo từ hồi Tháng Hai vừa qua. Nghĩa là vẫn có trò đổ lỗi cho ai khác về chính trị.
- Thật ra, nước Đức đã è cổ chuộc lại Đông Đức và 10 năm sau gánh vác trách nhiệm phát triển khối Euro bằng kỷ luật chi tiêu của mình trong khi nhiều xứ khác cứ hào phóng ban phát phúc lợi cho chế độ bao cấp của họ. Thậm chí còn khai gian thống kê kinh tế như trường hợp Hy Lạp. Vì vậy, lãnh đạo Đức mới dè dặt đòi hỏi điều kiện chấn chỉnh cho việc cấp cứu. Khi Chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel đồng ý với kế hoạch cấp cứu, và phải góp tiền cứu vãn đồng Euro chứ chẳng phải là cứu Hy Lạp, thì đảng CDU trung hữu của bà lập tức bị cử tri trừng phạt trong cuộc bầu cử tuần qua tại bang North Rhine-Westphalia và mất đa số tại Thượng viện. Nói cách khác, chính quyền Đức bị mắc họa về chính trị từ vụ khủng hoảng Hy Lạp và từ tương lai của đồng Euro. Mà chuyện ấy không thu hẹp vào chính trường Đức nếu ta nhìn ra toàn cõi Âu Châu.
Phúc lợi quá khả năng
Việt Long: Nếu vậy, giới kinh tế không chỉ phải nghiên cứu sự vận hành của quy luật kinh tế mà còn phải nhìn thấy tác động của chính trị nữa. Và tác động ấy ảnh hưởng thế nào ở tại châu Âu?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Liên hiệp Âu châu không là Liên bang Âu châu mà chỉ là một hiệp hội kinh tế. Hiệp hội này lại gồm có ba khối kinh tế khác biệt với những yêu cầu khác biệt.
- Các nước phía Bắc có trình độ tổ chức sản xuất cao hơn trong một cơ cấu xã hội có tinh thần tự chủ và tự chế. Các nước phía Nam có trình độ thấp hơn và khi cần cải cách để theo kịp miền Bắc thì hối lộ dân chúng bằng chế độ phúc lợi thật ra vô trách nhiệm vì cao quá khả năng. Khối thứ ba là các nước Đông Âu vừa thoát khỏi chế độ cộng sản Xô viết nên cũng có những yêu cầu khác khi được hội nhập vào Âu châu.
- Trong hai chục năm hồ hởi sau Chiến tranh lạnh, Âu châu quên hẳn cái bản sắc khác biệt giữa ba khối kinh tế đó. Đến khi gặp nạn thì tất nhiên là có người nêu câu hỏi, rằng "Hiệp hội này phải làm gì đó để cứu tôi chứ? Nếu không thì gia nhập hiệp hội làm chi?" Đó là tâm lý ăn vạ kiểu Hy Lạp. Ngược lại, cũng có người phản biện, rằng "Tại sao ta phải đóng thuế để cứu một quốc gia cứ đòi ngồi mát ăn bát vàng?" Đấy là tâm lý hoài nghi của dân Đức. Ở giữa hai thái cực là một sự hoang mang của Âu châu.
- Sau hai cuộc Thế chiến vì chủ nghĩa quốc gia dân tộc rồi sáu chục năm chiến tranh lạnh vì dự án thống nhất Âu châu dưới chế độ xã hội chủ nghĩa kiểu Xô viết, Âu châu tưởng là việc lập ra một hiệp hội kinh tế thì sẽ tránh được tai họa đó. Sự thật lại không như vậy và các giải pháp cấp cứu tới ngàn tỷ đô la sẽ không giải quyết nổi những mâu thuẫn của một tập thể đa quốc không có ngân sách thống nhất hay ngân hàng thống nhất. Trong khi chờ đợi, ai ai cũng chờ đợi là tập thể này sẽ phải cứu mình sau khi từ chối không muốn chủ quyền quốc gia bị tan loãng trong tập thể. Vì vậy, đây là cuộc khủng hoảng chính trị của Âu châu mà giải pháp kinh tế có khi cũng bó tay.
Việt Long: Tôi có chút hy vọng rằng chính quyền và công luận của các quốc gia châu Âu vốn có tư tưởng phóng khoáng về chính trị và xã hội, có thể bắt đầu nhìn ra yếu tố chính trị ấy để có thể điều chỉnh, và tránh khủng hoảng. Ông có lạc quan như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ then chốt ở đây là nước Đức. V ì nếu Đức cho là phải bọc xuôi theo quy chế và những đòi hỏi của Âu Châu thì họ sẽ phải làm 'trưởng tràng', phải chi tiền rất nặng và bị chi phối về việc đó. Thành thử trong tương lai nếu muốn cứu đồng euro, nước Đức phải sửa lại luật chơi cho cả Âu Châu mà các quốc gia khác cũng phải tuân thủ theo. Khi đó chúng ta nên e ngại một hiện tượng khác. Đó là nhiều quốc gia lại bắt đầu hốt hoảng báo động về chủ nghĩa quốc gia của nước Đức, là nước đã gây ra hai trận thế chiến trong thế kỷ 20. Vì vậy tôi nghĩ rằng tôi không được lạc quan, và chúng ta phải xem xem dân Đức xử trí ra sao trong vụ này.
Việt Long: Cám ơn Ông Nguyễn Xuân Nghĩa.
VIỆT LONG & NGUYỄN XUÂN NGHĨA, RFA

http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=114&nid=159157

Monday, November 9, 2009

Wednesday, October 28, 2009

Volkswagen giới thiệu kiểu xe SUV Hybrid đầu tiên

Volkswagen giới thiệu kiểu xe SUV Hybrid đầu tiên
Thursday, October 22, 2009 Bookmark and Share
medium_VW_Touareg.jpg

Xe SUV Hybrid kiểu Volkswagen Touareg đời 2010

medium_Ford_Escape.jpg

Ford Escape Sport Utility

medium_Cadillac_Escalade.jpg

Cadillac Escalade Hybrid SUV



Tại đại hội triễn lãm xe hơi 73 Frankfurt, Ðức, vừa qua, Volkswagen đã giới thiệu chiếc 2010 Volkswagen Touareg Hybrid, kiểu xe SUV máy hỗn hợp xăng/điện đầu tiên của hãng này.

Tuy là có muộn màng so với nhiều hãng chế tạo xe hơi khác nhưng chiếc Touareg Hybrid có nhiều đặc điểm kỹ thuật bằng sự tập trung những cơ phận nổi danh từ nhiều kiểu xe khác.

Ðông cơ nổ 3.0-liter V-6 là của Audi S4, 333 mã lực và lực chuyển torque 325 lb-ft. Với sự phụ lực của động cơ điện dùng bình điện nickel-maetal hybrid, toàn thể hai động cơ có công suất khoảng 370 hp và 405-ft torque.

Xe có thể chạy hoàn toàn bằng động cơ điện hơn 1 dặm với vận tốc 30 mph. hai động cơ nổ và điện cùng tác động vào một “láp” (driveshaft) và khi xe đã lên tới vận tốc cao máy nổ sẽ ngưng nhằm tiết kiệm năng lượng trên xa lộ.

Bộ chuyền lực 8 số giúp cho xe có thể thích hợp với nhiều chức năng khác nhau, đạt mức tiêu thụ nhiên liệu 1 gallon chạy 26 dặm (26 mpg) và kéo 7,200 pounds. Mặc dầu với trọng lượng 5,300 pound, Touareg Hybrid tăng vận tốc lên tới 60 mph chỉ trong vòng 6.8 giây nhờ lighter của Porsche Panamera.

Khuyết điểm duy nhất còn có thể phê phán là bộ thắng nhưng Porsche sẽ giúp cải tiến bộ phận này cho chiếc Touareg Hybrid được đưa vào dây chuyền sản xuất.

Giá xuất xưởng phỏng định của 2010 Volkswagen Touareg Hybrid là $44,000.

Trong khi đó các hãng xe khác đều dự trù tiếp tục sản xuất kiểu SUV Hybrid căn bản đã có trước đây với một số những cải tiến. Toyota vẫn giữ kiểu Highlander Hybrid động cơ nổ 1.3 L 6 máy V6, giá $34,700.

Mercury có 2010 Mariner Hybrid SUV, động cơ L4, 2.5L, giá $31,745.

Ford cạnh tranh bằng kiểu xe SUV rẻ tiền 2010 Ford Escape XLS, động cơ L4, 2.5l, giá $20,515.

Giá cao nhất trong loại SUV Hybrid là 2010 Cadillac Escalade động cơ V8, 6.0L, giá xuất xưởng $73,425. (H.C)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=103048&z=119

Sunday, August 23, 2009

Đức: 100 giáo sư bị điều tra vì nghi ngờ bán bằng tiến sĩ

Đức: 100 giáo sư bị điều tra vì nghi ngờ bán bằng tiến sĩ
Sunday, August 23, 2009
medium_s.jpg

BERLIN, Ðức (AP) - Các công tố viên Ðức đang mở cuộc điều tra khoảng 100 giáo sư trên cả nước vì nghi ngờ họ nhận tiền hối lộ để giúp sinh viên có được bằng tiến sĩ, theo nguồn tin giới hữu trách cho hay hôm Thứ Bảy 22 Tháng Tám.

Cuộc điều tra hiện đang nhắm vào một công ty có tên Institute for Scientific Consulting (Viện Tư Vấn Khoa Học), có trụ sở đặt tại Bergisch Gladback, ở về phía Ðông của Cologne, nơi bị tố cáo là đứng ra làm trung gian giữa các sinh viên và giáo sư, theo lời phát ngôn viên văn phòng biện lý Cologne, Guenther Feld.

Feld xác nhận các nguồn tin nói rằng đang có cuộc điều tra, do tạp chí Focus và tờ báo Neue Westfaelishce loan tải, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Công ty Institute for Scientific Consulting hiện chưa trả lời các câu hỏi của báo chí.

Theo hai nguồn tin trên, các sinh viên phải trả từ 4,000 Euro đến 20,000 Euro (từ 5,700 Mỹ kim đến 28,500 Mỹ kim) cho công ty này, vốn hứa hẹn là sẽ giúp họ lấy bằng tiến sĩ qua những quen biết sâu rộng với giới giáo sư đại học.

Tờ nhật báo Neue Westfaelische tường thuật rằng có đến “hàng trăm” sinh viên đã có bằng tiến sĩ qua cách này, và công ty trả cho các giáo sư từ 2,000 Euro đến 5,000 Euro (khoảng 2,850 Mỹ kim đến 7,125 Mỹ kim) sau khi thân chủ của họ nhận được bằng tiến sĩ. Hiện không rõ rằng các sinh viên này có biết được là đã phải hối lộ các giáo sư hay không.

Các giáo sư đang bị điều tra về tội tình nghi gian lận, theo lời Phát Ngôn Viên Feld.

“Hướng dẫn sinh viên làm luận án tiến sĩ là một việc công, và không ai có quyền nhận tiền cho việc này,” ông Feld tuyên bố với tờ báo.

Cho đến nay, các bằng chứng thu thập được cho thấy có khoảng 100 giáo sư trên cả nước Ðức “thuộc đủ mọi ngành học” có liên hệ đến vụ này, cũng theo lời ông Feld. Phần lớn là các giáo sư dạy theo giao kèo, chứ không phải là các giáo sư thực thụ (tenured).

Tạp chí Focus cho hay cuộc điều tra có liên hệ đến các đại học ở Frankfurt, Tuebingen, Leipzig, Rostock, Jena, Bayreuth, Ingolstadt, Hamburg, Hannover, Bielefeld, Hagen, Cologne và Berlin.

Cuộc điều tra khởi sự hồi năm ngoái sau khi có một cuộc điều tra khác cũng tại công ty Institute for Scientific Consulting và cũng vì các tố giác tương tự.

Sau khi giới hữu trách khám xét văn phòng công ty hồi Tháng Ba năm 2008, người đứng đầu công ty đã bị truy tố tội hối lộ liên quan đến một giáo sư ngành Luật tại đại học Hannover University. Người này, tên tuổi không thể công bố trên báo chí theo luật của Ðức, đã bị kết tội, phạt 3 năm rưỡi tù và 75,000 Euro tiền phạt vạ.

Vị giáo sư, tên cũng không được công bố, bị kết án ba năm tù ở về tội nhận hối lộ.

Vị giáo sư này khai trước tòa rằng đã nhận tới gần 200,000 Euro (khoảng 280,500 Mỹ kim) từ năm 1998 đến năm 2005. Ông cho hay phải nhận hối lộ vì cần tiền tu bổ căn biệt thự ở Hamburg. (V.Giang)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=100131&z=5